Messi quá xứng đáng với những gì anh đã cống hiến cho thế giới bóng đá

Sự cạnh tranh giữa hai anh tài trong thế giới bóng đá đương đại khiến nhiều người liên tưởng đến một cuộc so tài giữa Chu Du và Gia Cát Lượng trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Chỉ có một điểm khác: Nếu như cuộc so tài trong lịch sử đã đưa ra được đáp án thì cuộc tranh tài ở hiện tại vẫn chờ thời gian chứng minh.

Ngày Cristiano Ronaldo chính thức bước lên hàng ngôi sao đẳng cấp thế giới, siêu tiền vệ người Bồ đã vượt qua chính Lionel Messi trong cuộc bầu chọn giành cho cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA. Điều đó hoàn toàn xứng đáng bởi CR7 đã có một năm thi đấu thăng hoa, ghi đến 42 bàn thắng trên tất cả các mặt trận, giúp Man Utd giành cú đúp Premier League và UEFA Champions League 2008.

Đáng nói hơn, trong mùa giải thăng hoa ấy, MU của CR7 đã vượt qua chính Barcelona của Messi ở bán kết Champions League. “Rô điệu” có một mùa giải ngọt ngào nhưng cuộc đua giữa anh và “Si lùn” khi ấy mới chính thức bắt đầu. Không phải đợi lâu, ngay mùa giải sau đó, Messi đã trả món nợ khi giúp Barcelona vượt qua Man Utd của CR7 để vô địch Champions League 2009. Cá nhân tiền đạo người Argentina cũng vượt qua CR7 trong cuộc đua giành cho cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA.

Không cam chịu lép vế trước Messi, CR7 đã quyết định gia nhập Real Madrid để có nhiều cơ hội đối đầu trực tiếp với “El Pulga”. Thế nhưng, mặc cho “Rô điệu” cố gắng bao nhiêu, ghi hàng tá bàn thắng, “Si lùn” vẫn thống trị ở khía cạnh danh hiệu cá nhân để rồi giành luôn một cú poker cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA trước đây và Quả bóng vàng FIFA hiện tại từ 2009 đến 2012.


Messi quá xứng đáng với những gì anh đã cống hiến cho thế giới bóng đá nhưng những người yêu mến siêu sao người Bồ cũng thương cảm cho Ronaldo. Anh không sở hữu tài năng thiên bẩm như “El Pulga” nhưng anh là một biểu tượng sáng ngời cho tinh thần cố gắng, nỗ lực vượt qua hoàn cảnh và không cam chịu khuất phục số phận.

Bằng chứng là mỗi lần thất bại, anh lại đứng lên, nỗ lực luyện tập và thi đấu xuất sắc hơn. Cuối cùng, “trời không phụ lòng người”, năm 2013, CR7 đã vượt qua chính Messi để lần đầu đầu tiên giành danh hiệu Quả bóng vàng FIFA, chấm dứt 4 năm “trị vì” của Messi.

Những giọt nước mắt đã rơi trên gương mặt lúc nào cũng đầy vẻ kênh kiệu và thách thức của Ronaldo. Nó còn ý nghĩa hơn lần đầu tiên anh giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA 2008 bởi những cố gắng, nỗ lực vượt bậc của anh đã cho quả ngọt.

Mùa giải năm nay, lại là Messi và Ronaldo song hành trong cuộc đua giành Quả bóng vàng FIFA 2014. Nếu như Ronaldo có chức vô địch Champions League và chiếc giày vàng châu Âu làm “vốn” thì Messi cũng có một kỳ World Cup thành công để làm đối trọng với CR7.

Chưa hết, khi thời gian đến Gala trao giải Quả bóng vàng FIFA đang đếm ngược, cuộc đua giữa “El Pulga” và CR7 lại nóng bỏng hơn bao giờ hết. Messi đã vượt qua chính Ronaldo (71 so với 70 của CR7) khi san bằng thành tích 71 bàn thắng ghi được ở Champions League của “Chúa nhẫn” Raul.

Mới đây, M10 đã phá nốt kỷ lục 251 bàn thắng của huyền thoại Telmo Zarra để trở thành chân sút xuất sắc nhất trong lịch sử La Liga bằng một cú hat-trick vào lưới Sevilla đồng thời nâng tổng số bàn thắng mà anh ghi được ở giải đấu lên con số 253.


Cuộc đua Quả bóng vàng 2014 đang được hâm nóng bởi những lần phá kỷ lục của CR7 và M10. Ảnh: Internet

Đương nhiên, Ronaldo sẽ không chịu khuất phục. Anh chỉ thua kém Messi do anh chơi bóng ở La Liga muộn hơn “El Pulga” mà thôi. Cụ thể, từ khi gia nhập Real, CR7 đã ghi 197 bàn/176 trận, nhỉnh hơn tỷ lệ 199bàn/180 trận của Messi trong cùng thời gian. Chưa hết, với việc ghi được 20 bàn/11 trận ở La Liga mùa này, CR7 đã trở thành chân sút có khởi đầu tốt nhất trong lịch sử giải đấu.

Để hình dung ra con số 20 bàn thắng ấy khủng khiếp tới cỡ nào thì hãy so sánh với thành tích của những danh thủ từng đoạt danh hiệu Pichichi trong lịch sử La Liga. Đó là những cái tên không hề tầm thường một chút nào như: Luis Aragones (mùa 1969-1970, 16 bàn), Alfredo Di Stefano (1957/1958 - 19 bàn), Hugo Sanchez (1984-1985, 19 bàn)…

Nếu cứ tiếp tục duy trì hiệu suất ghi bàn như hiện tại, số lượng bàn thắng của CR7 trong mùa giải hiện tại sẽ vô cùng khủng khiếp. Chưa hết, theo thống kê được đăng tải trên trang 101 Great Goals, Ronaldo hiện xếp thứ 8 trong danh sách “vua phá lưới” vĩ đại nhất lịch sử thi đấu ở 5 giải đấu hàng đầu châu Âu gồm Tây Ban Nha, Anh, Đức, Italy và Pháp với 281 bàn thắng khi chơi cho MU (Anh, 84 bàn) và Real Madrid (Tây Ban Nha, 197 bàn).

Trong khi đó, dù là chân sút vĩ đại nhất La Liga với 253 bàn thắng, nhưng Messi đứng thứ 15. Tính đến nay, tiền đạo khoác áo số 10 của Barca kém Ronaldo tới 28 bàn thắng trong danh sách những cầu thủ ghi bàn nhiều nhất ở 5 giải đấu hàng đầu châu Âu.

Đó là những con số biết nói cho cuộc tranh tài giữa Messi và Ronaldo. Nếu như trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, trước khi qua đời, Chu Du đã thốt lên rằng: “trời sinh Du, há sinh Lượng”; nhưng hiện tại tất cả những người yêu bóng đá đều phải thừa nhận rằng “trời sinh Ronaldo, chắc chắn phải sinh Messi” vì nếu thiếu một trong hai, chắc chắn người còn lại sẽ rất buồn vì chơi vơi trên đỉnh cao.

Hoàng Thịnh luôn là lựa chọn hàng đầu trong số 4 tiền vệ của HLV Miura

GỌI TÊN ANH, HOÀNG THỊNH!
Tại sao HLV Toshiya Miura lại chọn Ngô Hoàng Thịnh cho vị trí số một trong việc “dọn dẹp” trước hàng phòng ngự của ĐT Việt Nam? Nhà cầm quân tới từ Nhật Bản từng tiết lộ: “Hoàng Thịnh không phải mẫu cầu thủ toàn năng, hơn nữa lại còn rất trẻ. Nhưng cậu ấy luôn chơi bóng “nhiệt” nhất, đáp ứng được những tiêu chí mà tôi đưa ra. Ở Hoàng Thịnh, tôi thấy có sự tiến bộ đáng ngạc nhiên, vậy nên chẳng có lý do gì không đặt niềm tin ở cậu ấy”.

Thực tế, ở các trận giao hữu của ĐT Việt Nam chuẩn bị cho AFF Suzuki 2014, nếu không chấn thương, Hoàng Thịnh luôn là lựa chọn hàng đầu trong số 4 tiền vệ của HLV Miura. Chính Hoàng Thịnh cũng tâm sự: “Mọi thứ đang rất tốt đẹp. Tôi hy vọng sẽ gặp may mắn sau những đen đủi thời gian qua”.

Dự cảm của tiền vệ SLNA đã thành sự thật khi anh và Huy Hùng được HLV Toshiya Miura chọn để hợp thành cặp tiền vệ trung tâm trong trận đấu đầu tiên tại AFF Suzuki Cup 2014 gặp Indonesia. Và nếu không có gì thay đổi, Hoàng Thịnh sẽ tiếp tục được “chọn mặt gửi vàng” trong trận đấu với Lào và cả Philippines.


“Là cầu thủ, ai cũng muốn được đá chính, tôi cũng thế. Nếu được trao cơ hội, tôi sẽ đá hơn 100% sức lực để đáp lại sự tin tưởng của HLV Miura. Trong trường hợp phải ngồi dự bị cũng chẳng sao, bởi tôi hiểu, chiến thắng của đội tuyển mới là điều tuyệt vời nhất”, Hoàng Thịnh cho biết.

SỰ KẾ THỪA HOÀN HẢO
Sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, đã có những câu hỏi đặt ra xung quanh việc tìm sự kế thừa cho Thế hệ vàng của những Minh Phương, Tài Em, Việt Thắng, Như Thành, Hồng Sơn… hay những cầu thủ hiện vẫn cống hiến cho ĐTQG là Công Vinh, Tấn Tài... Những câu hỏi ấy đã có lời đáp, đó là Nguyên Mạnh, Minh Tùng, Ngọc Hải, Thanh Hiền, Huy Toàn, Hồng Quân, Minh Tuấn và Hoàng Thịnh…

Trong số này, Hoàng Thịnh là cái tên đáng chú ý nhất. Tiền vệ người xứ Nghệ này luôn được HLV Toshiya Miura tin tưởng, từ việc giao chiếc băng đội trưởng đội tuyển Olympic Việt Nam tại Asiad 17 và cho tới cơ hội có vị trí chính thức ở ĐT Việt Nam hiện tại. Bản thân Hoàng Thịnh cũng đã tập luyện và thi đấu rất tốt để đền đáp niềm tin ấy.

Tại Asiad, anh là điểm tựa của hàng tiền vệ Olympic Việt Nam, ghi dấu ấn bằng pha làm bàn trong trận thắng Olympic Iran. Khi được triệu tập vào ĐT Việt Nam, Hoàng Thịnh cũng để lại ấn tượng mạnh và cũng có một bàn thắng trong trận giao hữu với Malaysia. Từ những đà thăng tiến ấy, anh xứng đáng được đặt niềm tin tại AFF Suzuki Cup 2014.

“Khó có thể nói trước điều gì trong bóng đá. Dù vậy, tôi luôn tự hứa rằng, chừng nào còn được tin tưởng thì vẫn ra sân và đá “chết bỏ”. Với tôi, bóng đá không có chỗ cho sự hời hợt, hoặc là ngồi ngoài, hoặc chiến đấu và vắt đến giọt sức cuối…”, trước trận gặp Lào vào chiều nay, Hoàng Thịnh bày tỏ quyết tâm.

Những lời rực lửa ấy không chỉ làm ấm lòng người nghe, mà còn thắp lên niềm tin rằng, với những gương mặt tiêu biểu như Ngô Hoàng Thịnh, bóng đá Việt Nam đã và đang có lớp người kế thừa đầy tài năng, nhiệt huyết.

5 điều nhìn thấy từ Chelsea mùa này: Azpilicueta, Matic và Mourinho bậc thầy

1. “Đe dọa” Schurrle và Salah

Kể từ khi bắt đầu cuộc chinh phục danh hiệu vô địch Premier League hồi tháng 8 và hướng đến chặng đường gian nan ở Champions League. Andre Schurrle và Mohameh Salah không còn được sử dụng thường xuyên nữa. Thay vào đó họ duy trì bộ khung bao gồm 4 tiền vệ đá ngay sau Diego Costa là Willian, Oscar, Cesc Fabregas và Eden Hazard.

Schurrle và Salah không có chỗ đứng trong đội hình xuất phát của The Blues một phần vì phong độ và cách chơi của hai cầu thủ này không phù hợp. Nhưng HLV Jose Mourinho đã tính đến phương án sử dụng họ trong những thời điểm cần thiết. Hai cầu thủ này buộc phải chơi hết mình và thể hiện khao khát ra sân, nếu không, họ có thể bị thay thế bởi Marco Reus bất cứ lúc nào. Dù cho đó chỉ là tin đồn.

2. Azpilicueta quá tuyệt vời

Nếu nhắc đến những mặt tích cực của Chelsea mà không nhắc đến Cesar Azpilicueta là sai lầm. Lữ đoàn xanh bỏ tiền mua Filipe Luis về chỉ để dự bị cho Azpilicueta theo đúng những gì đang diễn ra, bởi cầu thủ người Tây Ban Nha chơi quá hay.

Azpilicueta gây ấn tượng với sự năng động và khả năng bọc lót cũng như hỗ trợ tấn công cực kỳ tốt. Đích thân hậu vệ huyền thoại của Manchester United là Gary Neville cũng phải trầm trồ khen ngợi anh là hậu vệ hay nhất Premier League.


3. Matic là chìa khóa của Fabregas

Matic là một trong những tiền vệ phòng ngự được đánh giá cao nhất ở Premier League lúc này. Những thống kê ở 11 trận đấu đã qua cho thấy hiếm cầu thủ nào có thể lấy được bóng trong chân của Matic và điều đó đồng nghĩa với việc để cho cầu thủ này tung ra những đường chuyền ngon ăn.


Matic là chìa khóa để Fabregas tỏa sáng
Nếu không có Matic, Fabregas không thể nắm giữ tạm thời danh hiệu Vua kiến tạo ở mùa giải này. Chính việc được chơi bên cạnh Matic đã giúp Fabregas ung dung hơn trong việc ngắm nghía mọi khoảng trống cũng như có nhiều bóng để kiến tạo.

4. Mourinho là bậc thầy chuyển nhượng

Mùa giải trước, khi Mourinho trở lại Stamford Bridge, ông nhận được rất nhiều sự kỳ vọng từ người hâm mộ nhưng cựu chiến lược gia của Real Madrid không thể thành công với bộ khung có sẵn.

Mourinho bắt đầu thay đổi Chelsea, từ lối đá cho đến những con người. Ông đã giúp đội bóng trám những lỗ hổng về nhân sự cũng như bổ sung những cầu thủ cực kỳ chất lượng đến thời điểm này. Điển hình là Matic, Costa hay Fabregas.

Mặt khác, Mourinho là một người biết kinh doanh có lãi. Chelsea của ông mua về những cầu thủ giỏi trong mùa Hè vừa qua nhưng họ không bị thâm hụt tài chính như Manchester Unied hay Manchester City. Điều đó đảm bảo rằng The Blues vừa có một đội hình như ý, vừa tránh được luật công bằng tài chính của UEFA.

5. Kỳ Giáng sinh vui vẻ sắp đến

Qua 11 trận đấu của mùa giải, The Blues đang hơn đội nhì bảng là Southampton 4 điểm. Nhưng quan trọng hơn, cách biệt với Man City, đội bóng cạnh tranh trực tiếp ngôi vô địch, giờ đây là 8 điểm. Những gì chúng ta thấy ở Southampton chỉ là bề nổi vì họ chưa đụng độ hết thẩy các đại gia ở lượt đi. Và Chelsea nếu đánh bại chính Southampton vào ngày 28/12, họ có quyền tin rằng, không đội bóng nào đủ sức vượt qua họ từ nay cho đến cuối năm.

Chelsea cũng muốn xây dựng một đội bóng chơi đẹp mắt hơn

“Chelsea dùng tiền mua danh hiệu” là sự chỉ trích thường nghe nhất của những người không ưa The Blues. Họ là một đội bóng giàu xổi sau khi nhận những khoản đầu tư khổng lồ từ tỉ phú người Nga Roman Abramovich để nhanh chóng vươn cao trên bản đồ bóng đá ở Anh và châu Âu.

Chelsea trước thời nhà tài phiệt Nga chỉ là một đội bóng trung bình khá chật vật mới lọt được vào trong tốp 4 và quả thật, không có Abramovich thì họ chắc còn lâu mới có thể chen chân vào nhóm ứng cử viên vô địch đích thực. Việc đội bóng mua sắm không tiếc tay vào giai đoạn đầu của tỉ phú người Nga đã làm dấy lên sự ghen tức từ nhiều đối thủ, bao gồm Tottenham, Arsenal, Liverpool, Man United và gần đây là cả Man City.

Chelsea thực ra là đội bóng đầu tiên ở Anh rơi vào tay một tỉ phú nước ngoài và xây dựng vinh quang gần như ngay lập tức trên tiền bạc với những ngôi sao lớn và các HLV hàng đầu ồ ạt cập bến Stamford Bridge. Các CĐV đối thủ cảm thấy bị đối xử bất công trước sức mạnh tài chính của đội bóng áo xanh.

Lối chơi nhàm chán?
Bản sắc mới của Chelsea được xây dựng dưới triều đại của HLV cực kỳ thực dụng và sinh ra để chiến thắng Jose Mourinho. Tới CLB năm 2004, chiến lược gia người BĐN nhanh chóng xây dựng đội bóng trên những nguyên tắc của ông, bao gồm tinh thần chiến thắng, hiệu quả tối đa và sự quyết tâm đôi khi đến mức không thương tiếc. Chelsea đã vô địch các mùa giải 2005 và 2006 không chỉ bằng chất lượng đội hình, mà bằng cả sức mạnh tâm lý đó.


Mục tiêu tối thượng của họ luôn là 3 điểm, kết liễu sớm trận đấu và không cho đối thủ ghi bàn. Hầu hết các đối thủ biết Chelsea sẽ làm gì trên sân, nhưng không thể ngăn cản họ. Trong đội hình Chelsea có rất ít nghệ sĩ, hầu hết là những nhà chuyên môn cự phách ở vị trí của họ, trực diện, đơn giản và cực kỳ hiệu quả. Frank Lampard, Didier Drogba hay Claude Makelele không phải là những mẫu cầu thủ hào hoa tinh tế, nhưng không ai có thể ngăn cản được họ ở thời đỉnh cao.

Trong hành trình sau này khi Mourinho ra đi, Chelsea cũng muốn xây dựng một đội bóng chơi đẹp mắt hơn, nhưng chính điều đó làm hại họ. Trong giai đoạn hậu Mourinho, chỉ Carlo Ancelotti là thành công. Chelsea cũng giành một Champions League dưới thời HLV tạm quyền Roberto Di Matteo, nhưng với lối chơi phòng ngự hết sức tiêu cực và nhiều may mắn. Họ đã chiến thắng bằng lối chơi “phản bóng đá” trước cả Barcelona ở bán kết và Bayern Munich ở chung kết để làm nên bất ngờ tại Champions League.

Nhiều CĐV đối địch, không chỉ vì ghen tức, cho rằng Chelsea là một thất bại khi đã chi tiêu nhiều như thế mà vẫn phải chiến thắng bằng thứ bóng đá quá thiên về phòng ngự. Giờ đây, với việc Mourinho trở lại và Chelsea chơi chính xác như 10 năm trước, có vẻ như ông chủ Abramovich rốt cuộc cũng đã chấp nhận từ bỏ giấc mơ xây dựng một “Barca của Premier League” để ưu tiên cho những danh hiệu.

Mọi trận đấu của Chelsea mùa này cho tới giờ, khi họ vẫn đang bất bại, đều được chơi với phong cách Mourinho điển hình và sự căm ghét sẽ lại càng tăng lên với mỗi chiến thắng mà The Blues giành được.

Jonny Evans đến Marcos Rojo đều sẽ không thể thi đấu trong một thời gian

Tính cho đến thời điểm này, đội ngũ bác sĩ của Man Utd đang phải làm việc hết công suất để điều trị chấn thương cho gần cả một đội hình của Quỷ Đỏ, khi mà những ngôi sao của họ cứ thay nhau dính chấn thương trong các buổi tập, hay trong lúc thi đấu cho đội tuyển trong suốt tuần qua.

Trong số này, có lẽ hàng thủ đang là nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi bão chấn thương, khi mà nguyên dàn hậu vệ của họ từ Phil Jones, Jonny Evans đến Marcos Rojo đều sẽ không thể thi đấu trong một thời gian, điều đó đồng nghĩa với việc HLV Van Gaal sẽ không còn cách nào khác là buộc phải tin dùng những cầu thủ trẻ như McNair hay Blackett.

Sẽ yên tâm phần nào nếu như trong khung gỗ vẫn là De Gea, nhưng với việc bị trật khớp ngón tay trong buổi tập cuối tuần qua cùng tuyển Tây Ban Nha, thì nhiều khả năng thủ thành 24 tuổi này sẽ phải nghỉ thi đấu từ 2-3 tuần tới.


Đó là chưa kể những cầu thủ hỗ trợ việc phòng ngự từ xa tốt nhất mà Van Gaal có được như Michael Carrick, Daley Blind cũng đều đã hội quân cùng các đồng đội tại bệnh viện ở Old Trafford, điều này chắc chắn sẽ góp phần khiến cho HLV Van Gaal thêm đau đầu trong việc triển khai các phương án phòng ngự.

Theo như nhiều người vẫn nói, thủ yếu thì cứ lấy công bù. Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, thì cả hàng công của Quỷ Đỏ cũng đang gặp không ít vấn đề.

Thông tin từ tuyển Argentina, thì ngôi sao sáng nhất của Man Utd kể từ đầu mùa chính là Di Maria vừa gặp phải một chấn thương trong trận đấu giao hữu với Bồ Đào Nha rạng sáng nay. Dù đã có xác nhận chấn thương này không quá nghiêm trọng, nhưng rõ ràng điều đó cũng sẽ ảnh hưởng phần nào đến khả năng thi đấu của Di Maria trong thời gian tới.

Trong khi đó những niềm hy vọng còn lại trên hàng công như Van Persie hay Falcao lúc này đều không thể đem lại cho người hâm mộ cảm giác an tâm, khi Van Persie thì cứ mãi thi đấu khá mờ nhạt và chậm chạp bởi gánh nặng tuổi tác, trong khi Falcao vẫn luôn bị ám ảnh bởi các chấn thương.

Người 'sung' nhất trong đội hình của Man Utd vào lúc này có lẽ chỉ còn mỗi Rooney, vừa lập cú đúp vào lưới Scotland để thu hẹp kỷ lục ghi bàn cho Tam Sư (49 bàn) của Sir Bobby Charlton xuống còn 3 bàn. Tuy nhiên rõ ràng với chỉ một mình Rooney, thì rất khó có thể kéo dậy cả một tập thể đang 'có vấn đề' của Quỷ Đỏ như hiện nay.

Và đó cũng là điều tương tự với HLV Van Gaal, vì dù ông có tài giỏi đến đâu, nhưng khi trong tay không có được những cầu thủ tốt nhất, thì khả năng gặt hái được những kết quả tốt trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt như tại Premier League là điều không dễ.

Nhưng trong bóng đá vẫn luôn có một yếu tố rất quan trọng quyết định đến thành bại của một đội bóng, đó chính là may mắn. Và có lẽ đó cũng là điều duy nhất mà các CĐV Man Utd còn có thể trông đợi để giúp họ vượt qua cơn khủng hoảng lần này.

Man City đã phải bỏ ra cả núi tiền vào thị trường chuyển nhượng

Nghiên cứu gần đây của Arabian Business cho thấy, để có thể biến Man City từ một đội bóng tầm thường thành một ông lớn Premier League, những tỷ phú đến từ Trung Đông đã phải đổ ra cả núi tiền. Cụ thể, từ thời điểm Man Xanh được bán cho Abu Dhabi United Group vào năm 2008 đến nay, đội bóng này đã chi ra hơn 500 triệu bảng để mua sắm lực lượng. Đó là còn chưa kể đến những mức đãi ngộ hậu hĩnh khiến quỹ lương của đội chủ sân Etihad phình lên gấp hàng chục lần.


Để có được thành công, Man City đã phải bỏ ra cả núi tiền vào thị trường chuyển nhượng.
Với số tiền thu về không đáng kể từ việc bán cầu thủ, tổng cộng Man City đã đổ vào thị trường chuyển nhượng hơn 483 triệu bảng. Tại đấu trường Premier League suốt 6 mùa giải vừa qua, The Citizens chỉ kiếm được 441 điểm. Như vậy, “nửa xanh thành Manchester” đã chi ra tới gần 1,1 triệu bảng cho mỗi điểm số mà họ kiếm được.


Không tiếc tiền của để mang về những ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới nhưng Man City lại không phải đội bóng kiểm nhiều điểm nhất từ 2008. Đối thủ cùng thành phố, Man Utd chỉ bỏ ra gần 140 triệu bảng nhưng thu về tới 497 điểm, trong khi Chelsea chi hơn 275 triệu bảng để đút túi 461 điểm. Dẫu vậy, cũng phải tính tới việc cả Quỷ đỏ lẫn đội chủ sân Stamford Bridge đều đã có những đầu tư và nền móng vững chắc từ trước đó.

Chỉ xếp thứ 3 về khoản điểm số nhưng số tiền khổng lồ mà giới chủ sân Etihad bỏ ra lại thu về những kết quả tích cực. Không chỉ hoán đổi thân xác từ vịt thành thiên nga, Man City còn giành được những thành công đáng kể trên sân cỏ như 2 chức vô địch Ngoại hạng trong 3 năm gần đây (2011/12, 2013/14), 1 cúp FA (2010/11) và 1 cúp liên đoàn (2013/14).

Thành công nhất trong việc mua bán cầu thủ phải kể tới trường hợp của Everton. Đội chủ sân Goodison Park thu lãi tới gần 30 triệu bảng từ thị trường chuyền nhượng song vẫn kiếm được 369 điểm, số điểm đủ giúp họ không một lần phải xuống hạng và trở thành một đối thủ đáng gờm trong vài mùa giải trở lại đây.

*Trị giá của mỗi điểm số tại Premier League của 11 đội bóng (từ 2008/09 đến 2013/14)


Van Gaal từng là thầy của cả Pep Guardiola và Jose Mourinho

Louis van Gaal là một lựa chọn lý tưởng cho Man United khi CLB quyết định tham gia vào cuộc săn lùng những chiến lược gia tên tuổi sau nhiều thập kỷ đi con đường riêng. Giữa những ồn ào trong cuộc chào đón HLV người Hà Lan, nhiều người quên mất rằng Man United chưa từng làm điều tương tự trước kia. Giữa 2 nhiệm kỳ kéo dài của những huyền thoại Matt Busby và Sir Alex Ferguson, tức là suốt từ thời Old Trafford bị phá hủy vì các vụ ném bom của quân Đức Quốc xã thời thế chiến thứ hai, các HLV được bổ nhiệm tại Man United trên nguyên tắc nhấn mạnh vào truyền thống và tính kế thừa.

Tommy Docherty năm 1972 hay Ron Atkinson năm 1981 là những ngoại lệ “HLV ngôi sao”, nhưng cũng chỉ ở tầm mức khiêm tốn thời bấy giờ. David Moyes cũng vậy. Van Gaal là kiểu HLV hoàn toàn khác: từng trải ở những CLB lớn, có thể dễ dàng hòa nhập với một đội bóng khổng lồ ở một môi trường mới, một quốc gia mới, một nền văn hóa mới. Ông từng thành công với Barcelona và Bayern Munich, ra mắt tại Old Trafford trong rất nhiều ồn ào.



BLĐ Man United cũng tỏ ra khôn ngoan và nhanh nhẹn ở thời điểm đó, sau thành công của Van Gaal ở World Cup, chứ không chỉ bởi những gì ông đã làm được ở tầm CLB. Ông đưa ĐT Hà Lan giành HCĐ World Cup 2014 và có lẽ là 1 trong 2 HLV giỏi nhất giải đấu. Việc Robin van Persie lao thẳng về phía ông để ăn mừng sau bàn thắng bằng pha phi thân đánh đầu đẹp mắt vào lưới TBN ở Brazil cũng được coi là dấu hiệu báo trước về những ngày tháng tươi đẹp cho họ tại Man United. Van Gaal sẽ bắt đầu sự nghiệp của ông tại Anh với tất cả sự tôn trọng và yêu mến của các cầu thủ và HLV, một lợi thế mà Moyes chưa bao giờ có. Ngoài ra không giống như người tiền nhiệm, Van Gaal là một tên tuổi lớn trong giới bóng đá để thu hút những cầu thủ ở đẳng cấp cao nhất.

Nhưng trước khi PCT điều hành Ed Woodward và BLĐ Man United vui mừng hớn hở với Van Gaal, họ còn một vấn đề nhỏ phải cân nhắc: Jose Mourinho. Mùa hè vừa rồi, Mourinho hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để điền vào chỗ trống ở Old Trafford. Ông từng vô địch ở các quốc gia khác nhau, đưa 2 đội bóng tới chức vô địch Champions League và đã khẳng định được thành công tại Premier League. Ban đầu, Man United bỏ qua Mourinho vì ông chỉ ở lại một đội bóng 3-4 năm trước khi tìm kiếm những thách thức mới. Tính cách của ông cũng có thể không hợp, theo lời Sir Bobby Charlton.

Moyes từng được coi là giải pháp cho những vấn đề đó. Rồi 6 tháng sau, chính HLV người Scotland lại trở thành vấn đề lớn nhất của Man United. Nhưng hãy nghĩ xem Van Gaal thì sao. Ông cũng chỉ ở lại một đội bóng 3-4 năm, cũng gây thù chuốc oán khắp nơi và cũng là kiểu tính tình lập dị khó gần, chỉ có điều lớn tuổi hơn, và có lẽ không tài năng bằng, so với Mourinho.

Điều đó đã được khẳng định trên sân bóng: Bayern của Van Gaal bị Inter Milan của Mourinho đánh bại ở chung kết Champions League năm 2010. Mourinho cho tới giờ là 1 trong chỉ 5 HLV giành Champions League với 2 đội khác nhau và thành công của ông “cập nhật” hơn so với Van Gaal, người đã không thể lặp lại chiến tích đăng quang ở giải đấu danh giá đó như ông làm được cùng Ajax năm 1995.

Nhưng không vì thế mà hy vọng vào Van Gaal ở Old Trafford ít đi. Michael Owen nói Man United không thể xếp ngoài tốp 3 Premier League với Van Gaal. Những người khác thậm chí cho rằng ông có thể vô địch ngay ở mùa ra mắt. Nhưng không ai nói như thế về Tottenham vài tháng trước khi họ được liên hệ với ông, dù khi đó, Spurs vừa kết thúc mùa giải nhiều hơn Man United 5 điểm. Dẫu sao, ít ra giờ chúng ta sẽ được chứng kiến một cuộc đối đầu nảy lửa giữa Van Gaal và Mourinho ở Premier League.

Nhận định - Dự đoán kết quả trận đấu : Liverpool vs Chelsea

Nhận định - Dự đoán kết quả trận đấu : Liverpool vs Chelsea

Liverpool đã kết thúc 10 vòng đấu tại Premier League 2014/15 với thành tích 4 thắng - 2 hòa - 4 thua. Lần gần đây nhất Liverpool đã phải hứng chịu thất bại 0 - 1 trước Newcastle United. Tại đấu trường danh giá UEFA Champions League Liverpool đã kết thúc 4 vòng đấu với thành tích 1 thắng và 3 thua. Sau khi khởi đầu với chiến thắng nhọc nhằn trước đội bóng hạt tiêu Ludogorets tỷ số 2 - 1, Liverpool đã gây thất vọng ở vòng đấu thứ 2 với thất bại 0 - 1 trước đối thủ đến từ Thụy Sĩ là FC Basel, vòng 3 Liverpool đã phải chạm trán đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha là Real Madrid và 'Lữ đoàn đỏ' đã không chịu nổi trước sức mạnh khủng khiếp của Real và đã phải chịu thất bại 0 - 3 ngay tại Anfield, vòng 4 Liverpool lại 1 lần nữa chạm trán Real Madrid tại Bernabeu và không có gì bất ngờ khi Liverpool lại 1 lần nữa thất bại trước Real với tỷ số 0 - 1.


Trong khi đó Chelsea đã kết thúc 10 vòng đấu với thành tích bất bại 8 thắng - 2 hòa. Lần gần đây nhất Chelsea đã có chiến thắng nhọc nhằn 2 - 1 trước Queens Park Rangers. Tại đấu trường danh giá UEFA Champions League Chelsea đã kết thúc 4 vòng đấu với thành tích 2 thắng và 2 hòa. Sau khi khởi đầu không mấy suôn sẻ khi bị Schalke 04 cầm chân với tỷ số 1 - 1, Chelsea đã trở lại ở vòng đấu thứ 2 với chiến thắng tối thiểu 1 - 0 trước đối thủ đến từ Bồ Đào Nha là Sporting Lisbon, với phong độ đang vào phom Chelsea đã có trận 'chơi tennis' trước đối thủ đến từ Slovenia là Maribor với tỷ số 6 - 0 ở vòng đấu thứ 3 tại sân chơi cao nhất Châu Âu. Vòng đấu thứ 4 Chelsea gặp lại Maribor, khác với trận chơi tennis ở vòng đấu thứ 3, Chelsea đã có 1 ngày thi đấu hết sức vất vả và buộc phải chia điểm trước Maribor với tỷ số 1 - 1. Trận đấu tại Cúp Liên đoàn Anh diễn ra lúc rạng sáng ngày 29/10 (theo giờ Việt Nam) Chelsea đã có chiến thắng sít sao 2 - 1 trước Shrewsbury Town.

Vòng đấu thứ 11 này Liverpool sẽ phải chạm trán với 1 Chelsea đang vào phom, đây sẽ là thách thức nghiệt ngã đối với thày trò HLV Brendan Rodgers trong bối cảnh "Lữ đoàn đỏ". Trong 6 lần đối đầu gần đây nhất giữa 2 đội thì 2 đội đang có thành tích ngang ngửa là 2 thắng - 2 hòa - 2 thua, tuy vậy trong 2 lần đối đầu gần đây nhất giữa 2 đội thì Chelsea đã có thành tích toàn thắng trước Liverpool, đó sẽ là cơ sở để Chelsea tin tưởng vào 1 chiến thắng tiếp theo.

Dự đoán : 1 - 2

Pellegrini chấp nhận từ bỏ thế mạnh về chiến thuật

Sau trận gặp CSKA Moscow ở lượt đi, HLV Manuel Pellegrini còn có ý phàn nàn về việc có vài trăm CĐV CSKA có mặt trên khán đài trong khi UEFA buộc đội bóng Nga phải đá trên sân không khán giả. Lần này Pellegrini chả còn dám trách móc gì nữa. Ông nói nghe đầy bất lực: “Tôi cũng chả biết phải giải thích sao nữa”.

Pellegrini không phải là Roberto Mancini, một kẻ vô duyên ở Champions League. Pellegrini từng đưa Villarreal, đội bóng đến từ thị trấn với số dân chưa đủ lấp đầy sân Etihad vào đến bán kết Champions League. Đấy cũng là người giúp Malaga trong lần đầu góp mặt ở sân chơi này đi một lèo đến tứ kết. Ở những mùa giải ấy, Pellegrini luôn được giới chuyên môn xưng tụng là bậc thầy chiến thuật.

Vậy dấu ấn chiến thuật đấy ở đâu trong 2 mùa giải đã qua tại Man City? Hoàn toàn không thấy. Cách chơi của Man City rất đẹp, rất ấn tượng. Nhưng nó chỉ có một công thức duy nhất: lấy sức mạnh và tốc độ để thủ thắng. Nếu có David Silva thì trung lộ là trận địa chính. Có Jesus Navas sẽ tạt cánh nhiều hơn. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ chừng ấy.



Cách chơi ấy giúp Man City đàn áp được các CLB trong nước, nhưng không đủ giúp họ đương cự được với những đội bóng mạnh hơn ở Champions League. Đây là đấu trường đặt nặng về chiến thuật. Nếu không thì Porto của 2004, Liverpool của 2005, Inter Milan của 2010 và Chelsea của 2012 đã không thể vô địch!

Pellegrini chấp nhận từ bỏ thế mạnh về chiến thuật để chiều theo yêu cầu của đám đông. Nói cách khác, ông thích nghi với văn hóa bóng đá Anh nhanh đến mức bị... đồng hóa, không còn giữ lại chút nào bản sắc riêng nữa. Kun Aguero trong cuốn tự truyện đã viết: từ ngày sang Anh, anh chạy nhiều hơn, sút nhiều hơn, thực hiện những cú qua người nhiều hơn vì... khán giả thích như vậy.

Từ ngày sang Anh, Pellegrini bỏ đi một thế mạnh đáng kể là “đọc” trận đấu. Ông không nương theo đối thủ mà đá, không điều chỉnh nóng theo từng phút trên sân mà áp đặt lối chơi ngay từ đầu. Phải phủ đầu, phải tấn công đàn áp, phải ghi bàn sớm, phải buộc đối phương đá theo nhịp điệu của mình. Mỗi trận đấu phải là một bữa tiệc bóng đá, tưng bừng nhộn nhịp như một ngày hội.

Pellegrini chính là hình ảnh tiêu biểu của Trương Nghệ Mưu. Trước khi sang Anh, ông là phiên bản của đạo diễn họ Trương trong những năm hoàng kim với những Cúc Đậu, Thu Cúc đi kiện, Đèn lồng đỏ treo cao, Phải sống. Đấy đều là những tác phẩm kinh điển dù kinh phí sản xuất rất eo hẹp.

Sau khi sang Anh, Pellegrini là phiên bản của họ Trương những năm sau này với Thập diện mai phục, Hoàng kim giáp. Những bộ phim này được đầu tư tiền tỷ, diễn viên hùng hậu, phục trang chói lòa nhưng chất điện ảnh tuyệt vời đã mất. Điện ảnh, cũng như bóng đá, luôn có sự đánh đổi và thỏa hiệp mà không phải ai cũng tỉnh táo chống lại được.

Trong năm vừa qua, Trương Nghệ Mưu tái xuất với bộ phim Coming Home (Quy Lai) như một lời chuộc lỗi với những khán giả đã yêu mến cái chất điện ảnh của ông ngày đầu. Bao giờ thì người hùng một thuở Pellegrini mới “quy lai”? Và liệu khi quyết định tìm về với bản ngã thì ông có còn ở Manchester chăng?

Ivan Rakitic xứng đáng được tin tưởng nhiều hơn

Barcelona vẫn đang cố gắng duy trì thứ bóng đá tiqui-taca đã trở thành thương hiệu trong nhiều năm trở lại đây, nhưng tiếc rằng họ đang thiếu một "ngòi nổ", khiến nó trở nên hữu dụng.

Barcelona đang trải qua những chuỗi ngày đáng thất vọng. Đầu tiên là ở trận El Clasico hôm 25/10 trên sân Bernabeu, họ đã nhận một thất bại ê chề mà không thể biện hộ với tỷ số 1-3. Cuối tuần qua, những tưởng họ sẽ lấy lại niềm kiêu hãnh khi được thi đấu ở Nou Camp và chỉ tiếp một Celta Vigo bé nhỏ. Nhưng kết quả sau 90 phút thi đấu là Barcelona 0 và Celta Vigo 1. Với thất bại này, Barca đã đánh mất vị trí đầu bảng vào đối thủ truyền kiếp Real Madrid. Bây giờ vị trí của họ trên bảng xếp hạng La Liga là... thứ 4.

La Liga còn tới 28 trận đấu nữa mới kết thúc, Luis Enrique cùng các học trò vẫn còn quá nhiều thời gian để lật ngược tình thế. Tuy nhiên, với những điểm yếu mà Barca đã bộc lộ trong thời gian qua, liệu Luis Enrique có khắc phục được hay không? Có một điều mà người viết chắc rằng vị HLV người Tây Ban Nha này khó lòng khắc phục được đó chính là vị trí của Xavi Hernandez.

Trong nhiều năm qua, Xavi luôn là một trong những tiền vệ trung tâm hay nhất của bóng đá thế giới. Anh là yếu tố quan trọng hàng đầu của Barca thời kỳ mà họ ngự trị trên đỉnh của bóng đá thế giới. Nhưng "sông có khúc, người có lúc", Xavi giờ đã 34 tuổi và đã bước qua sườn dốc bên kia của sự nghiệp. Những đóng góp của anh cho Barca những mùa giải gần đây đã không còn đáng kể. Đây cũng là khoảng thời gian mà Barca bắt đầu suy yếu.


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự yếu đi của Barca. Nhưng Xavi chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Những năm qua, với tiqui-taca, Barca đã một mình làm mưa làm gió trên thế giới. Khó có một CLB nào có thể đứng vững được trước sức mạnh của họ. Ngoài sự xuất sắc của Lionel Messi thì sự thành công của tiqui-taca được quyết định nhờ vào bộ não thiên tài của Xavi Harnandez. Nhưng giờ khi bộ não ấy bắt đầu thấm mệt theo thời gian, cỗ máy Barca cũng bắt đầu chạy chậm lại. Muốn cỗ máy hoạt động lại bình thường, đương nhiên phải tìm linh kiện mới thay thế cho cái cũ. Hiển nhiên, ai cũng biết điều này, Luis Enrique biết, tôi biết và bạn cũng biết. Nhưng tìm đâu ra người thay thế bây giờ?

Ivan Rakitic là cái tên mà rất nhiều culé đặt niềm tin vào lúc này và có lẽ Luis Enrique cũng vậy. Cựu cầu thủ của Sevilla cũng đã thi đấu khá thành công trong màu áo của CLB mới trong thời gian qua. Nhưng liệu cầu thủ này sẽ thay thế được Xavi và giúp cỗ máy Barca vận hành trơn tru trở lại được hay không? Theo người viết nghĩ là không.

Rakitic đã có 2 bàn thắng cho Barca ở La Liga mùa này. Bên cạnh đó, cầu thủ này cũng có tỷ lệ chuyền bóng thành công rất cao là 90,7%. Trước 2 trận thua gần đây, Barca cũng liên tiếp có những chiến thắng đầy thuyết phục. Nhưng Barca chiến thắng không phụ thuộc nhiều vào vai trò của Rakitic. Messi và Neymar mới chính là những nhân tố quyết định đến những chiến thắng của Barca.

Tuy nhiên, khi đối đầu với những đại gia, Barca đã bộc lộ khá nhiều điểm yếu. Một trong những điểm yếu đó chính là khả năng kiểm soát và phân phối bóng của tuyến giữa. Xavi và Iniesta đã già, Busquets cũng không còn giữ được phong độ thời kỳ đỉnh cao.

Luis Enrique đã thực hiện 3 quyết định về nhân sự

8 trận đấu đầu tiên ở La Liga, Barcelona giành đến 7 chiến thắng và 1 trận hòa, ngự trị trên đỉnh cao của bảng xếp hạng với thành tích bất bại, thậm chí chưa một lần để thủng lưới. Bước vào đại chiến El Clasico trên sân Bernabeu của “bầy kền kền trắng”, khi các cổ động viên hai đội vẫn chưa ổn định được chỗ ngồi, Neymar đã sớm đưa “gã khổng lồ” xứ Catalan vượt lên bằng một pha dứt điểm vô cùng đẳng cấp.

Những người yêu mến “Blaugrana” lại nghĩ về những chiến thắng kiểu “manita” (bàn tay nhỏ) mà Pep cùng các học trò vẫn làm được trước Real của Mourinho. Thế nhưng, đó là điểm khởi đầu cho nỗi thất vọng của người Catalan. Barca hiện tại đã không còn là Barca “bách chiến bách thắng” của Pep và Real hiện tại cũng khác hoàn toàn so với đoàn quân của “Người đặc biệt”.

Carlo Ancelotti đã dạy cho Luis Enrique một bài học vỡ lòng về cách “cầm quân đánh trận”. Madrid không tung vào sân một đội hình mới mẻ hay chơi với chiến thuật mới mẻ. Họ đơn giản là tìm ra một phương cách và triển khai nó để làm cho một đội hình vốn mạnh về công hơn thủ vận hành có hiệu quả trước một Barca có sức công phá khủng khiếp.

Ancelotti đã làm hai việc trong các buổi tập là thuyết phục các cầu thủ chơi kỹ thuật của Madrid chấp nhận hy sinh nhiều hơn, chạy và tham gia phòng ngự nhiều hơn. Hai là, dạy cho họ thấy khác biệt giữa việc chạy “chiến thuật” và chạy không có ý đồ nó khác nhau thế nào. Phương pháp của Carletto là sự pha trộn giữa nghệ thuật dùng người và cách đọc trận đấu.

Trong khi đó bên phía Barca, Luis Enrique đã thực hiện 3 quyết định về nhân sự và cả ba đều bị chỉ trích. Thứ nhất, ông chuyển Jeremy Mathieu từ trung vệ sang đá hậu vệ trái và giữ nguyên sự liên kết giữa Mascherano và Pique ở trung tâm hàng thủ. Nhưng việc ông điều Mathieu đá hậu vệ trái đã lấy đi cơ hội của Jordi Alba, đồng thời chính Pique đã phạm sai lầm tạo điều kiện cho Ronaldo san bằng cách biệt cho Real. Mathieu hiếm khi dâng cao tấn công và hỗ trợ tấn công, khiến Neymar phải một mình tự biên tự diễn ở cánh trái.

Quyết định nhân sự thứ hai cũng gây tranh cãi là chọn Xavi đá chính thay vì Ivan Rakitic. Xavi là huyền thoại và có nhiều kinh nghiệm đá các trận kinh điển nhưng sự hiện diện của Xavi đã tước đi cơ hội thi đấu từ đầu của Rakitic, đồng nghĩa với việc khả năng chuyền bóng và năng lượng của tiền vệ Croatia không có điều kiện phát huy. Mà những phẩm chất ấy của Rakitic có thể là vô giá khi đối đầu Real Madrid, nhất là trong bối cảnh ông Enrique lại đưa ra quyết định nhân sự thứ ba là để Luis Suarez đá chính.

Sự hiện diện của Suarez trên hàng công khiến hàng tiền vệ của Barca hầu như không có người bao sân. Không phải vì Suarez không sẵn sàng làm việc đó, không muốn lùi về phòng ngự. Chúng ta đã thấy anh làm việc đó nhiều lần với tuyển Uruguay và ở Liverpool. Vấn đề là điều đó đòi hỏi sự chính xác và tính thời điểm mà những cầu thủ chơi trận chính thức đầu tiên cho đội bóng mới khó lòng có được.


Đúng là Suarez đã lùi về, đã di chuyển vào trong, đã cố gắng điều chỉnh vị trí của mình dựa trên sự di chuyển của Messi, đã kiến tạo cho Neymar ghi bàn mở tỷ số và tạo cho Messi một cơ hội ghi bàn mười mươi ở phút 22 nhưng tất cả những sự di chuyển ấy đều là ngẫu nhiên, đều là bản năng. Để di chuyển hợp lý khi tấn công đồng thời tham gia phòng ngự thì người ta cần có sự phối hợp đồng bộ và đó là điều Barca không làm được. Bộ ba tấn công của họ đã không gây được sức ép như đầu kỷ nguyên Guardiola. Họ cũng không lùi về bao sân ở trung tuyến tốt như lẽ ra họ cần phải làm được.

Những sai lầm của Luis Enrique đã được Ancelotti khai thác triệt để giúp Real chiến thắng đầy thuyết phục để trực tiếp đẩy Barca vào hoàn cảnh khó khăn. Thất bại trong một trận đấu đặt nặng về danh dự hơn là điểm số khiến các cầu thủ Barca đánh mất tinh thần cũng như sự tự tin vốn có. Nhìn cái cách Messi, Neymar liên tục đưa bóng chạm cột dọc, xà ngang khung thành Celta Vigo trong trận thua 0-1 trước đội bóng cũ của Luis Enrique ngay tại thánh địa Nou camp mới thấy được sự tự tin của các cầu thủ Barca đang có vấn đề.

Có thể điều ấy bắt nguồn từ sự thiếu may mắn nhưng không phải ngẫu nhiên mà cả ba họng pháo siêu hạng của Barca đều đồng loạt… thiếu may mắn đến như thế. Chưa hết, sau hai thất bại liên tiếp, nhiều trụ cột của Barca đã tỏ ra thiếu tin tưởng vào Enrique. Với những cái tôi rất lớn trong phòng thay đồ, việc họ quay lưng chống đối Enrique là một mối nguy hại vô cùng lớn cho chiếc ghế huấn luyện viên trưởng của cựu huấn luyện viên Celta Vigo tại Nou Camp.

Tuần trăng mật đã kết thúc, đã đến lúc Enrique phải thể hiện tài năng và cái uy của mình tại Barca. Bằng không, ánh bình minh ngắn ngủi từ đầu mùa sẽ bị xóa sạch khi Enrique buộc phải kết thúc công việc huấn luyện tại Barca trong thất vọng và tủi hổ.

Real đang tỏ ra mạnh hơn Liverpool về mọi mặt

Real đang bay bổng với chuỗi 11 trận thắng liên tiếp. Cơn cuồng phong “màu trắng” đã cuốn đi mọi vật cản trong chuỗi trận thăng hoa của mình. Một trong số những nạn nhân của bầy Kền kền trắng chính là Liverpool ở lượt đi với màn đại náo Anfield (Real thắng thuyết phục 3-0).

Đó là trận đấu Liverpool đã mắc sai lầm khi chơi đôi công với các nhà ĐKVĐ châu Âu. Nhưng Real đã cho thấy Liverpool đang ở đẳng cấp nào. Sự xuất sắc của Ronaldo với pha đập nhả cùng đồng đội rồi dứt điểm tinh tế mở tỉ số chính là điểm nhấn của trận đấu. Kể từ đó, đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha không gặp quá nhiều khó khăn trong việc kiểm soát tình hình và dễ dàng có thêm 2 bàn thắng (đều của Benzema).

Real đang tỏ ra mạnh hơn Liverpool về mọi mặt

9 điểm sau 3 lượt trận, việc Real sớm giành vé chỉ còn là vấn đề thời gian. Nếu thắng Liverpool đêm nay, thầy trò HLV Ancelotti sẽ chắc chắn giành vé và có thể an tâm tập trung vào đấu trường quốc nội, nơi họ đã có được ngôi đầu bảng Liga sau 10 vòng đấu.

Căn cứ vào phong độ của 2 đội và lực lượng, Real đương nhiên được đánh giá cao hơn rất nhiều so với Liverpool, đội bóng đang thể hiện phong độ nghèo nàn ở cả châu Âu và Premier League. Mới nhất, The Kop đã để thua Newcastle 0-1 ở giải Ngoại hạng (xếp thứ 7 với 14 điểm sau 10 vòng).

Liverpool đang có quá nhiều vấn đề, từ hàng thủ lỏng lẻo đến hàng công ngày càng tỏ ra vô hại. Sự ra đi của Suarez, chấn thương của Sturridge khiến Quỷ đỏ vùng Merseyside gặp rất nhiều khó khăn trong khâu ghi bàn. Balotelli vẫn được tin dùng, nhưng càng ngày “Cậu bé hư” càng gây thất vọng, trong khi đó những Lambert, Borini chưa bao giờ là những tiền đạo đẳng cấp.

Sự đối lập về phong độ, lực lượng giữa Real và Liverpool là quá rõ ràng. Theo logic thông thường, Real sẽ có chiến thắng thứ 12 liên tiếp trên các mặt trận và sớm giành vé vào vòng knock-out sớm 2 lượt trận. Nếu kịch bản đó xảy ra, sẽ chẳng mấy ai cảm thấy bất ngờ.

Bị dồn vào chân tường, liệu Liverpool có đủ sức vùng dậy?

Tuy nhiên, trong bóng đá luôn tồn tại những điều “phi lý”, đặc biệt với “kẻ đường cùng” như Liverpool họ sẽ chiến đấu hết mình. Nên nhớ nếu ra về tay trắng, The Kop sẽ bị tụt lại trong cuộc đua với Ludogorets hoặc Basel (cả 3 đội đều đang cùng có 3 điểm) và sẽ phải quyết tử ở 2 lượt đấu cuối.

Không có nhiều cơ sở để Liverpool làm nên địa chấn tại Bernabeu, nhưng với việc Sturridge đi cùng các đồng đội tới Madrid, Real có lý do để cẩn trọng trước Liverpool bị dồn vào thế chân tường.

“Nhà vua” Real sẽ rất khó đánh rơi chiến thắng trên sân nhà, nhưng “cẩn tắc vô ưu”, dẫu sao Liverpool cũng là một đội bóng lớn và có những ngôi sao có thể làm nên chuyện. Một cơn địa chấn tại Bernabeu sẽ làm cho bóng đá thêm phần thi vị dù đã có quá nhiều “chi tiết” cấu thành nên môn thể thao vua.
Thạch Anh. Được tạo bởi Blogger.